Sự ra đời của Vịnh Hạ Long được bao trùm bởi truyền thuyết về đàn rồng được Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm. Giặc tan, thấy cảnh đẹp, đàn rồng đã ở lại hạ giới, tạo nên vô số đảo đá như ngày nay… Rõ ràng, ngay trong truyền thuyết, Vịnh Hạ Long đã được phủ bởi ánh hào quang gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Và đặc biệt, mỗi địa danh, mỗi danh lam thắng cảnh, điểm du lịch ở Hạ Long đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết riêng, đầy ý nghĩa và sâu sắc. Hãy cùng chúng tôi khám phá những câu chuyện truyền thuyết về các đảo, các hang động trên vịnh Hạ Long với cốt truyện cảm động, chân tình và ý nghĩa lịch sử dân tộc.
Truyền thuyết về các hang động ở Hạ Long
Hang Hanh – hang động dài nhất trên Vịnh Hạ Long, tên gọi không liên quan đến truyền thuyết nhưng lại có câu chuyện rằng xưa có 2 cô gái xinh đẹp đi thuyền vào hang chơi. Mải ngắm cảnh, nước triều lên, thuyền không ra được khiến cả 3 cô chết đuối. Thương cảm, dân chài đã lập miếu thờ. Nay ngoài cửa hang vẫn còn ngôi miếu nhỏ, gọi là miếu “Ba Cô”, nghe nói rất thiêng.
Cũng như vậy, truyền thuyết về các đảo, hang động trên vịnh Hạ Long đều là những sự tích liên quan rất nhiều với lịch sử dân tộc. Như truyền thuyết về hang Đầu Gỗ kể rằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây, đẽo nhọn để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Vì còn rất nhiều mẩu gỗ sót lại nên dân chài đã gọi tên là hang Đầu Gỗ.
Lại có truyền thuyết khác cho rằng, đây chính là nơi Trần Hưng Đạo cho giấu các cọc gỗ lim để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng nên dân chài gọi là hang Giấu Gỗ, lâu dần gọi chệch đi thành Đầu Gỗ ở khu du lịch vịnh Hạ Long. Cuốn Merveille de Monde (kỳ quan thế giới) chuyên về du lịch của Pháp xuất bản năm 1938, đã gọi hang Đầu Gỗ là Grotte des merveilles (động của các kỳ quan). Năm 1917, vua Khải Định và Toàn quyền Pháp Paul Doumer nhân chuyến đi kinh lý ra Vịnh Hạ Long chơi và lên thăm hang Đầu Gỗ. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của hang, nhà vua đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Hạ Long và hang Đầu Gỗ. Năm 1962, Bác Hồ cũng đã từng tới tham quan hang Đầu Gỗ thưởng ngoạn vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long.
Cát Bà – hòn đảo lớn nhất trong số các đảo trên vùng biển du lịch biển Hạ Long, một thời thuộc khu Hồng Quảng, cũng bao trùm rất nhiều truyền thuyết về tên gọi. Theo truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà ban đầu là Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo có tên là đảo Các Ông (Cát Ông). Các Bà sau đó được đọc chệch là Cát Bà. Lại có câu chuyện thú vị khác rằng, thời Trần, Trần Hưng Ðạo đã chọn vùng biển Ðông Bắc này làm nơi tập kết, luyện quân, tích trữ lương thảo. Hang Giấu Gỗ là nơi quân ta cất giấu những chiếc cọc gỗ, còn vùng biển phía vịnh Lan Hạ là nơi tích trữ lương thảo, chăm sóc y tế, là khu vực do Các Bà cai quản. Các Bà sau gọi chệch thành Cát Bà như ngày nay…
Khác với hang Đầu Gỗ, truyền thuyết về hang Trinh Nữ là một câu chuyện tình bi thương ấn tượng sâu sắc đối với mỗi du khách khi đến tour đi vịnh Hạ Long và nghe kể lại. Hang Trinh Nữ nằm trên dãy đảo Bồ Hòn cùng với hệ thống động Sửng Sốt, hồ Động Tiên, Hang Luồn… Truyền thuyết kể rằng: Xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho tên chủ cai quản vùng đánh cá. Thấy cô xinh đẹp, hắn ép gia đình cô gả cô làm vợ bé cho hắn. Cô gái không chịu vì cô đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho ngày cưới của họ. Không làm gì nổi cô, tên địa chủ đã đày cô ra đảo hoang. Đói lả và kiệt sức, trong một đêm mưa gió, cô gái đã hoá đá nơi đây. Biết tin cô gặp nạn, chàng trai mải miết bơi thuyền đi tìm cô.
Giông bão ập đến khiến thuyền chàng vỡ nát, chàng dạt lên một đảo hoang. Trong ánh chớp, chàng nhìn ra phía xa và nhận ra cô gái nhưng những lời chàng gọi đã bị gió cuốn đi. Chàng dùng hòn đá đập vào vách núi báo cho nàng biết rằng chàng đã đến. Chàng gõ khi máu trên tay chảy đầm đìa, tới khi kiệt sức và chàng hoá đá. Nơi cô gái hoá đá là hang Trinh Nữ, nay trước cửa hang còn có pho tượng đá của cô.
Đối diện với hang Trinh Nữ là hang Trống (còn được gọi là hang Con Trai) là nơi chàng trai đã hoá đá. Bức tượng chàng trai hoá đá đang quay mặt về phía hang Trinh Nữ vẫn còn đến ngày nay. Khi còn chiếm đóng khu mỏ, trên bản đồ, người Pháp đã gọi tên hang theo tiếng Pháp là La vierge (hang của người con gái) – tức dựa trên truyền thuyết của dân chài địa phương.
Và hành trình Hà Nội đi Hạ Long sẽ là một chuyến đi mang đến cho du khách nhiều khám phá, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, được thưởng thức những đặc sản món ngon hấp dẫn và được nghe người dân nơi đây kể câu chuyện truyền thuyết ý nghĩa, sâu sắc.